Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

24 VÀ 24

CÁC HÌNH THỨC HỢP TÁC CỦA DOANH NGHIỆP VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

24h
24h
CÁC HÌNH THỨC HỢP TÁC GIỮA DOANH NGHIỆP VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

Vốn là vấn đề hết sức quan trọng đi với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp – startup trong giai đoạn khởi đầu và giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn vốn cho các hoạt động của mình. Rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn kêu gọi vốn; huy động vốn từ bên ngoài cho việc phát triển công ty, dự án của mình. Các phương thức huy động vốn, tìm kiếm nguồn vốn cho doanh nghiệp rất đa dạng và linh hoạt. Lợi ích lớn, tuy nhiên việc kêu gọi vốn từ nguồn vốn bên ngoài luôn ẩn chứa các rủi ro tiềm ẩn cho các Startup.

Việc am hiểu kiến thức về quản trị, kinh doanh, tài chính và pháp lý giúp các doanh nghiệp có những sự lựa chọn hợp lý, tối ưu cho việc gọi vốn và phòng tránh rủi ro tối đa. Hôm nay tôi chia sẻ đến các bạn chút quan điểm về những hình thức gọi vốn, hợp tác của doanh nghiệp với nhà đầu tư thông dụng. Nhằm cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản, sơ bộ về một số hình thức gọi vốn, hợp tác thông dụng giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư.

I. Vay vốn

1.1. Khái niệm cơ bản

Vay vốn là hình thức khá phổ biến và tương đối thông dụng đối với các doanh nghiệp cần nguồn để đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Khi quyết định huy động vốn theo phương thức vay, các doanh nghiệp sẽ thoả thuận với chủ nợ về lãi suất cho vay. Bên cho vay có thể là các cá nhân, tổ chức, ngân hàng.

Một số trường hợp, doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm cho khoản vay hoặc được sự bảo lãnh của bên thứ ba.

1.2. Ví dụ

Công ty A cần nguồn vốn 500.000.000 để thực hiện dự án. Để nhanh chóng, Công ty A vay của Ngân hàng B số tiền 500.000.000. Do không có tài sản bảo đảm, ông X là giám đốc cổ đông công ty A đứng ra bảo lãnh nghĩa vụ vay của Công ty A, đồng thời thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở tại Hà Nội để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh.

1.3. Ưu – nhược điểm cơ bản

Ưu điểm: Nhanh, thủ tục không quá phức tạp, nguồn vốn đa dạng.

Nhược điểm: Để được vay vốn; đa phần bạn sẽ phải có tài sản đảm bảo hoặc chịu mức lãi xuất cao. Nếu bạn không có tài sản thế chấp; lựa chọn thực tế nhất là mời gọi các nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp.

II. Bán cổ phần/phần vốn góp hoặc/và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới/chào bán cổ phần cho cổ đông mới.

2.1. Khái niệm cơ bản

Bán cổ phần và chào bán cổ phần là thuật ngữ áp dụng cho loại hình công ty cổ phần. Hiểu đơn giản; bán cổ phần là việc cổ đông bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình cho nhà đầu tư; không làm tăng vốn điều lệ công ty. Chào bán cổ phần là việc công ty phát hành thêm cổ phần để bán cho nhà đầu tư; làm tăng vốn điều lệ công ty. Một số trường hợp có thể áp dụng đồng thời hai hình thức này.

Tương tự như bán cổ phần và chào bán cổ phần; tuy nhiên, bán phần vốn góp và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới áp dụng cho loại hình công ty TNHH.

Trong một số trường hợp, nhà đầu tư mua lại phần vốn góp hoặc công ty tiếp nhận phần vốn góp của nhà đầu tư là thành viên mới; công ty có thể chuyển đổi loại hình thành công ty cổ phần.

Với các hình thức này, nhà đầu tư sẽ góp vốn vào công ty để đổi lấy quyền sở hữu một phần công ty đồng thời có tư cách cổ đông công ty theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Tỉ lệ cổ phần nhà đầu tư sở hữu sẽ dựa trên thoả thuận giữa công ty và nhà đầu tư.

2.2. Ví dụ

Công ty TNHH 1 thành viên A, do anh X làm chủ sở hữu, ngành nghề sản xuất thực phẩm. Nay, Công ty A muốn kêu gọi vốn đầu tư để có tiền thúc đẩy và có thêm người cùng chung tay phát triển công ty. Anh X tìm được 3 nhà đầu tư Z,Y,W cùng góp tiền vào công ty và tham gia vào quản lý. Công ty A tiếp nhận thêm phần vốn góp từ Z, Y, W và làm thủ tục chuyển đổi loại hình thành công ty cổ phần.

2.3. Ưu – nhược điểm cơ bản

Ưu điểm: Tận dụng được nguồn vốn cùng các kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của nhà đầu tư.

Nhược điểm: Đối với các công ty có nhiều dự án nhưng chỉ muốn kêu gọi vốn cho một hoặc một số dự án nhất định. Việc có cổ đông mới sẽ làm thay đổi cơ cấu cổ đông. Các cổ đông đều có quyền với công ty đồng nghĩa có quyền và nghĩa vụ với toàn bộ các dự án.

III. Nợ chuyển đổi

3.1. Khái niệm cơ bản

Nợ chuyển đổi là hình thức huy động vốn kết hợp giữa bán cổ phần và vay vốn. Theo đó, doanh nghiệp vay vốn từ nhà đầu tư. Đến thời hạn thanh toán, doanh nghiệp có thể thanh toán tiền vay hoặc chuyển khoản nợ thành cổ phần. Vẫn là khoản vay, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một khoản vay. Doanh nghiệp vay vẫn có nghĩa vụ trả tiền cho nhà đầu tư. Nhưng có thêm một đặc điểm là nhà đầu tư có quyền chọn chuyển đổi khoản vay đó thành cổ phần của doanh nghiệp.

Các bên thoả thuận lãi suất cho vay giống như hình thức vay vốn thông thường. Tuy nhiên. Trước khi nợ được chuyển đổi thành cổ phần, quan hệ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp là quan hệ vay – cho vay. Sau khi khoản nợ được chuyển đổi thành cổ phần, quan hệ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp là quan hệ cổ đông – công ty.

3.2. Ví dụ

Công ty cổ phần A quyết định huy động vốn theo hình thức nợ chuyển đổi khoản tiền 1.000.000 VNĐ. Nhà đầu tư B chấp nhận cho vay với lãi suất 10%/năm. Đến kỳ hạn thanh toán; nhà đầu tư B và Công ty A chuyển đổi thanh toán khoản nợ bằng cách Công ty A phát hành cổ phần để thanh toán cho nhà đầu tư B.

3.3. Ưu – nhược điểm cơ bản

Ưu điểm: Không cần phải bán cổ phần ngay, có thể gọi vốn ngay. Sau khi giá trị công ty lên cao thì có thể bán cổ phần.

Nhược điểm: Khó tìm nhà đầu tư phù hợp.

VI. Thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án.

4.1. Khái niệm cơ bản

Hợp đồng hợp tác là việc các bên cùng nhau thỏa thuận về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm đối với một dự án kinh doanh nhất định.

Hợp đồng hợp tác có nhiều điểm tương đồng giống như việc các bên cùng nhau thành lập một công ty mới để thực hiện dự án. Điểm khác biệt là không thành lập pháp nhân mới. Quan hệ giữa các bên tham gia phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng. Luật doanh nghiệp không điểu chỉnh quan hệ giữa các bên tham gia hợp đồng hợp tác.

4.2. Ví dụ

Công ty TNHH 1 thành viên A, do anh X làm chủ sở hữu, ngành nghề sản xuất thực phẩm. Công ty có hai dự án; dự án sản xuất bánh kẹo, dự án sản xuất nước giải khát. Công ty A chỉ muốn kêu gọi vốn đầu tư vào dự án sản xuất bánh kẹo; và không muốn các bên khác tham gia hoặc can thiệp vào dự án sản xuất nước giải khát. Nhà đầu tư B đồng ý tham gia và dự án sản xuất bánh kẹo và không muốn tham gia vào các dự án khác. Hai bên ký hợp đồng hợp tác kinh doanh sản xuất bánh kẹo.

4.3. Ưu – nhược điểm cơ bản

Ưu điểm: Huy động được nguồn vốn đối với từng dự án cụ thể.

Tách biệt được gọi vốn, hợp tác theo các dự án với nhau. Không bị cổ đông can thiệt, chi phối vào các dự án khác không mong muốn.

Nhược điểm: Việc hợp tác không thành lập pháp nhân mới. Do đó, khung pháp lý điều chỉnh mối quan hợp tác và giải quyết tranh chấp hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng hợp tác. Nếu hợp đồng không chặt chẽ và chi tiết sẽ dẫn đến thiếu khung pháp lý thực hiện. Đòi hỏi việc soạn thảo và ký kết hợp đồng phải chặt chẽ, có sự chi tiết, đầy đủ.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tôi luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của các bạn về vấn đề gọi vốn cho dự án/doanh nghiệp.

Liên hệ với chúng tôi qua Email: 24va24@gmail.com để được tư vấn và theo dõi trang web để nhận những bài viết mới tương tự.

Ngoài ra, khi bạn cần, Tôi sẽ giải đáp và tư vấn cho bạn các vấn đề:

- Thành lập doanh nghiệp;

- Thay đổi đăng ký kinh doanh;

- Quản lý nội bộ doanh nghiệp;

- Đáp ứng điều kiện kinh doanh;

- Hợp đồng;

- Thuế;

- Các vấn đề nội bộ giữa các cổ đông, thành viên;

- Pháp lý về lao động;

- Gọi vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn;

- Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

CẢM ƠN! Đã đọc và ủng hộ!

24h